Thân cây
bèo tây, qua bàn tay khéo léo của những thợ thủ công ở huyện Kim Sơn (Ninh
Bình), đã trở thành sản phẩm mỹ nghệ xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao.
Khi nghề
dệt chiếu cói truyền thống hàng trăm năm ở huyện Kim Sơn dần mai một, thợ thủ
công đã tìm cho mình hướng đi mới. Việc sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ với
nguyên liệu bèo tây vừa cho thu nhập cao, vừa giữ được nghề đan lát truyền thống
nên được người dân phát triển.
Chị Nguyễn Thị Hoa kiểm tra sản phẩm trước khi xuất kho.
Bèo tây (tên gọi khác là lục bình hay lộc bình) là thực vật thủy
sinh, thân mộc, sống trôi nổi trên mặt sông. Mỗi cây bèo tây trưởng thành thường
dài 60-90 cm. Sau khi thu hoạch, người thợ sẽ cắt bỏ phần gốc và phần lá rồi
phơi nắng cho thật khô để làm nguyên liệu đan các mặt hàng xuất khẩu.
Dù bèo tây sinh trưởng quanh năm nhưng công đoạn phơi chỉ thực
hiện được trong mùa nắng nên nhiều người phải bỏ cả tháng trời đi cắt bèo về
phơi, dự trữ đan dần trong năm.
Chị Lưu Thị Bích (40 tuổi, xã Xuân Thiện) mỗi ngày ngâm mình dưới
nước 8 tiếng để vớt bèo ở những con kênh gần nhà. Để phòng bệnh ngoài da và
tránh bèo “ăn” da, chị Bích phải mặc quần áo mưa, đi găng tay và bịt kín mặt.
Chị cho hay, những gia đình làm nghề bèo tây phải bỏ thời gian
đi vớt bèo coi như lấy công làm lãi, chứ mua bèo khô giá 20.000 đồng/kg về đan
thì thu nhập chẳng đáng bao nhiều. “Bèo ở đây dày đặc trên các con kênh nên
hàng nghìn người đi vớt cũng không xuể”, chị Bích nói.
Nghề đan bèo tây xuất hiện ở Ninh Bình từ năm 2005, nhưng phát
triển mạnh mẽ vài năm gần đây. Một phần do được thị trường nước ngoài mở rộng,
một phần do thu nhập cao nên thợ thủ công tham gia đan lát ngày càng nhiều.
Mỗi tháng chị Trần Thị Thêu đan bèo tây kiếm thêm 2-3 triệu đồng.
Nhà làm 4 mẫu ruộng, chị Trần Thị Thêu (32 tuổi, xã Như Hòa)
tranh thủ đan bèo tây. “Trước kia cả gia đình tôi làm nghề dệt chiếu. Những năm
gần đây thợ dệt chiếu ít đi do thu nhập thấp, sản phẩm làm ra bán chậm, người
ta chuyển sang làm hàng thủ công mỹ nghệ từ cói, bèo tây”, chị Thêu chia sẻ.
Bèo tây mọc đầy kênh nước gần nhà, chỉ bỏ thời gian đi vớt về
phơi khô rồi đan chứ không mất tiền mua nguyên liệu nên thu nhập khá. Với thợ
thạo việc như chị Thêu, mỗi ngày ngồi đan kiếm được 150.000-300.000 tiền công.
Chị Nguyễn Thị Hoa (45 tuổi), chủ một cơ sở chế biến hàng thủ
công mỹ nghệ ở xã Như Hòa cho biết, các sản phẩm chế biến từ nguyên liệu tự
nhiên như bèo tây, cói được thị trường Nhật Bản, Mỹ, Đức, Đan Mạch… ưa chuộng
do bền, đẹp và đặc biệt là thân thiện với môi trường. Sản phẩm do người thợ Kim
Sơn làm rất đa dạng, như: thảm, giỏ đựng đồ, kệ đựng báo, khay giấy, bình hoa,
ghế salon…
Kỹ thuật đan lục bình đơn giản hơn dệt chiếu, gồm các kiểu cơ bản
như: đan hạt gạo, đan xương cá và đan mạng nhện. “Tùy sản phẩm mà sử dụng kiểu
đan khác nhau. Ví dụ kiểu xương cá thường được sử dụng đan thảm, còn đan kệ để
báo, tạp chí thì sử dụng kiểu hạt gạo”, chị Hoa nói.
Mỗi ngày cơ sở của chị Hoa thu mua hàng nghìn sản phẩm làm từ
bèo tây và cả cói ở các xã Như Hòa, Ân Hòa, Xuân Thiện, Kim Chính…
Sản phẩm bằng bèo tây của người dân Kim Sơn được nhiều nước ưa chuộng.
Theo
đại diện Phòng Công thương huyện Kim Sơn, 100% làng, xã trong huyện tham gia
làm sản phẩm thủ công mỹ nghệ từ cói và bèo tây với doanh thu mỗi năm trên 200
tỷ đồng. Nghề đan thủ công mỹ nghệ giải quyết việc làm cho gần 25.000 lao động
với thu nhập ổn định 2-5 triệu đồng mỗi tháng.
Nguồn: Vnexpress.net
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét